Cù Lao Dung – Nỗ lực trong công tác dạy nghề, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Với xuất phát điểm kinh tế còn thấp, đời sống người dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, xác định việc dạy nghề, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là giải pháp hữu hiệu để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh - Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để tuyên truyền, vận động lao động nông thôn tham gia học nghề.
Tổ chức tư vấn giới thiệu chương trình học tập, làm việc tại Nhật Bản.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Lâm Thị Mỹ Ên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cù Lao Dung cho biết: “Thời gian qua Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Sóc Trăng, UBND các xã, thị trấn đã kết nối, tư vấn, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ hiệu quả việc tham gia lao động ở nước ngoài, hỗ trợ vay vốn để đi lao động ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng. Đến nay, đã đưa 36/25 người lao động làm việc ở nước ngoài, đạt 144%KH. Riêng công tác đào tạo nghề, từ đầu năm đến nay Trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn mở được 19 lớp dạy nghề đạt 70%, phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt chỉ tiêu được giao”.
Trong năm 2024, để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện triển khai kế hoạch phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cũng tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, quan tâm nhiều đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo để thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Xác định công tác dạy nghề, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những giải pháp thiết thực trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Vì thế, hằng năm huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu làm việc. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với khả năng, năng lực của người lao động và đúng pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Hà (bìa trái) ngụ tại ấp An Thường, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung
có con hiện đang đi lao động xuất khẩu tại Nhật Bản.
Kể lại sự thay đổi của cuộc sống gia đình từ khi con mình đi lao động ở nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Hà, ngụ tại ấp An Thường, xã An Thạnh 1 (phụ huynh chị Trần Thị Kim Ngân - hiện đang là lao động xuất khẩu tại Nhật Bản), không khỏi bùi ngùi xúc động. Bà Hà cho biết, cuộc sống gia đình lúc trước rất khó khăn, chỉ chăm bẵm vào việc làm vườn. Gia đình có 2 cô con gái, đứa con gái lớn sau khi học xong lớp 12 vẫn chưa tìm được công việc ổn định. Đến năm 2022, được chính quyền địa phương và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tư vấn hỗ trợ vay vốn cho con đi xuất khẩu lao động. Sau khi lập gia đình, cô con gái lớn Kim Ngân quyết định cùng chồng đăng ký tham gia đi lao động tại Nhật Bản, đến nay cũng đã gần hết hạn hợp đồng. “Ban đầu, gia đình không nỡ để con đi làm xa, nhưng con quyết tâm đi làm phụ giúp gia đình để có cuộc sống tốt hơn. Đến nay, công việc của con ổn định, mỗi tháng trừ đi chi phí sinh hoạt, thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng, con cũng thường gửi tiền về để chi tiêu cho gia đình” - bà Hà chia sẻ.
Nỗ lực nhiều hơn nữa
Thông qua tổ chức các Phiên giao dịch việc làm, tư vấn cộng đồng đã tạo hiệu ứng tốt để lao động địa phương mạnh dạn đăng ký tham gia, có thu nhập cao, giúp cho gia đình phát triển cuộc sống. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, địa phương cũng luôn tạo điều kiện về thực hiện các thủ tục cần thiết để người lao động tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp nếu có nhu cầu. Hơn thế, đối với lao động, việc tham gia học tập, lao động tại nước ngoài không chỉ là cơ hội để nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững mà còn là môi trường thực tiễn để rèn luyện tay nghề, hoàn thiện kỹ năng, sẵn sàng tham gia thị trường việc làm khi trở về quê hương. Tuy nhiên, đối với người lao động, những khoản chi phí để đi xuất khẩu lao động là không dễ dàng. Do đó, chương trình vay vốn ưu đãi cho xuất khẩu lao động đã và đang “tiếp sức” cho nhiều người dân trên địa bàn huyện có cơ hội được làm việc ở nước ngoài, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Gia đình chị Nguyễn Thị Diễm (ấp An Thường, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung) cho biết, gia đình được hỗ trợ nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đưa con gái là Hồ Thị Việt Trinh đi làm việc tại Nhật Bản, nhờ được vay vốn, gia đình mới có đủ chi phí cho con đi xuất khẩu lao động. Tương tự gia đình ông Lê Văn Buồl (ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung) cũng vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cho hai con đi du học Đài Loan. Theo đó, gia đình đã vay 100 triệu đồng cho mỗi em để đảm bảo chi phí cho việc đi du học. Cũng theo ông Buồl, ban đầu con sang Đài Loan, gia đình khá lo lắng về việc đi lại, môi trường sống, học tập; hiện nay đã thấy yên tâm hơn khi con trong môi trường học tập dần trưởng thành và có thể vừa học vừa làm tự trang trải chi phí sinh hoạt cá nhân.
Theo ông Phạm Trường Giang, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cù Lao Dung cho hay, thực hiện Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND, ngày 11/7/2023 của HĐND tỉnh Sóc Trăng về "Quy định chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm từ ngân sách tỉnh ủy thác" đã tạo điều kiện cho nhiều người lao động, du học sinh được tiếp cận nguồn vốn. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tạo mọi nguồn lực để giúp lao động đủ điều kiện, có nhu cầu đều được vay vốn chương trình, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, cũng như giải quyết việc làm cho người lao động, Phòng Lao động Thương binh - Xã hội huyện đã phối hợp với các ban, ngành có liên quan tăng cường triển khai đầy đủ kịp thời các chính sách có liên quan đến công tác giảm nghèo bền vững. Theo ông Huỳnh Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động Thương binh - Xã hội huyện Cù Lao Dung, việc xuất khẩu lao động và đưa du học sinh sang học tập và làm việc ở nước ngoài phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó, người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đời sống của Nhân dân, đặc biệt là ở các xã có nhiều hộ nghèo từng bước được nâng lên đáng kể, góp phần phát huy hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng lại là “một bài toán khó cần lời giải”, đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa trong thời gian tới. Trước tiên, cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về các chính sách, từ đó mạnh dạn đăng ký tham gia thị trường lao động. Đồng thời, nghiên cứu những ngành nghề nào phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để đào tạo nghề mang lại hiệu quả công tác dạy nghề gắn với việc làm và tìm kiếm công ty có uy tín để giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho người lao động làm việc, từ đó tăng thu nhập cho gia đình, làm giàu cho quê hương Cù Lao.