Lượt xem: 229
Chị Trần Thị Mỹ Lệ giữ lửa nghề may áo dài
09/07/2024
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nghề may áo dài vẫn trụ vững và phát triển. Cốt cách của nghề này được lưu truyền từ những đôi bàn tay khéo léo giữ lửa nghề và có cả tâm huyết, sự sáng tạo trong từng đường kim mũi chỉ.
Chị Trần Thị Mỹ Lệ, sinh năm 1977, cư ngụ ấp Phước Hòa B, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đã gắn bó với nghề gần 20 năm. Chị Lệ kể: “Từ nhỏ, tôi bắt đầu theo chị hai học nghề may. Hồi ấy, ban đầu tôi chỉ học may áo kiểu sơ mi hay quần tây thôi. Sau đó, bắt gặp chiếc áo dài, tự nhiên tôi muốn may thử và từ đó yêu nghề may áo dài. Vì yêu thích chiếc áo dài nên tôi khăn gói lên Sài Gòn "tìm sư học đạo". Khó khăn tìm thầy học, chỉ sau 2 tháng tôi đã tự tin may hoàn thành chiếc áo dài truyền thống”.
Theo như lời chị Lệ, may các loại áo, quần khác chỉ cần cắt, ngồi bên chiếc máy may là có thể dễ dàng hoàn tất, nhưng với chiếc áo dài thì công phu hơn nhiều. Ngoài các công đoạn cắt, ráp, may máy lại thì phần cuốn bìa áo phải dùng kim may tay và người làm phải thành thạo mới có thể may theo đúng yêu cầu. Công phu, tỉ mỉ, khéo léo là vậy, nhưng nghề may áo dài vẫn có nét rất riêng mà người thợ thật sự yêu nghề mới tạo được phong cách riêng. “May áo dài thấy vậy chứ không hề đơn giản. Mỗi dáng người là một số đo khác nhau. Cắt áo dài phải nhìn vào dáng người mới có thể đo và may đúng được. Người dáng cao, lùn, vai ngang, vai thấp, lưng tôm hay không, có eo hoặc không có… Do vậy, loại đồ gì có thể may công nghiệp, chứ áo dài khó may. Để khách mặc áo dài đẹp, đòi hỏi người may phải hiểu dáng người, tuy đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ phải quan sát tỉ mỉ và khéo léo” – chị Lệ cho hay.
Ngoài những mẫu áo dài truyền thống thì tiệm may của chị còn có sự cách tân cho phù hợp với xu hướng chung của thị hiếu chị em hiện nay. Để thu hút nhiều khách hàng, chị nghiên cứu, cập nhật nhanh các kiểu dáng, họa tiết áo dài đang thịnh hành và đặt phụ kiện đi kèm như kết cườm, kết hợp với thổ cẩm… theo yêu cầu của khách, từ đó mà số lượng khách tìm đến chị ngày càng nhiều, nhất là những ngày lễ, tết. Vì vậy, tiệm may của chị Lệ tuy nhỏ nhưng luôn đông khách, mỗi ngày chị may từ 04 đến 06 bộ áo dài, giá công may giao động từ 250.000 - 290.000đồng/bộ, bình quân thu nhập của chị từ 500.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng/năm. Dù có 4 người thợ phụ, nhưng chị phải đích thân đo, cắt, sau đó mới đưa cho thợ phụ ráp hoàn thành. Do vậy, những dịp đầu năm học mới, ngày lễ hướng về phụ nữ... là cửa tiệm của chị phải hoạt động hết công suất mới có thể giao đồ đúng hẹn cho khách, chị còn tạo việc làm cho 04 thợ may chuyên nghiệp với thu nhập làm thêm từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Ngày nay, chiếc áo dài đã xuất hiện với nhiều diện mạo mới, nhưng đó là sự sáng tạo của người thợ may. Họ mong muốn chiếc áo dài luôn thể hiện được sự quý phái và ngày càng vươn xa hơn nữa để nghề may áo dài tiếp tục giữ lửa, cống hiến cho thời trang Việt. Chiếc áo dài là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, nên luôn khơi gợi cho những người thợ may có đam mê thêm nhiều sáng tạo. Đối với chị Lệ, may áo dài không chỉ là nghề để kiếm sống mà còn góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp tà áo dài của dân tộc.
Cẩm Loan (Hội LHPN TT.CLD)